Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm thì các bà mẹ luôn băn khoăn nên cho trẻ ăn gì để dễ dàng bổ sung nhiều dưỡng chất cho trẻ và không thể bỏ qua đó là các loại rau củ. Trong rau củ chứa rất nhiều khoáng chất, chất xơ và vitamin nên các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn để có thể dung nạp đầy đủ dưỡng chất. Chúng ta có thể xay nhuyễn cho trẻ ăn với cháo hoặc chết biến thêm nhiều món kết hợp với rau cho trẻ dễ tiêu hóa. Dưới đây là những loại rau nên sử dụng khi trẻ 6 đến 8 tháng tuổi.
Mục lục
Rau củ và trái cây cho trẻ có vai trò quan trọng như thế nào?
Trong 4 đến 6 tháng đầu tiên, bé sẽ bú sữa mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, kể từ tháng thứ 6 trở đi, bé sẽ bắt đầu được ăn dặm. Vì vậy, mẹ bỉm sữa rất cần có kiến thức về cách chế biến thức ăn sao cho phù hợp với từng lứa tuổi của bé. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, tốt nhất là các mẹ nên cho bé ăn dặm theo ô vuông thức ăn. Với ô trung tâm là sữa mẹ hoặc sữa công thức. 4 ô xung quanh là 4 nhóm chất cơ bản: protein, glucid, lipid và chất xơ.
Chính vì nằm trong ô vuông thức ăn nên rau củ và trái cây cho trẻ chiếm vai trò không kém phần quan trọng. Nhóm thực phẩm này có tác dụng:
- Cung cấp chất xơ, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa của trẻ.
- Phòng chống táo bón.
- Cung cấp vitamin cùng các acid amin thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Cung cấp các chất khoáng cần thiết như: Natri, Kali, Magie, sắt, kẽm, đồng, selen,…
Nên cho trẻ ăn loại rau nào?
Trẻ nên bước vào giai đoạn ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Trong đó, rau củ là nhóm thực phẩm mà mẹ nên cho bé ăn thử đầu tiên. Tuy nhiên, rau nào tốt cho trẻ sơ sinh trong giai đoạn ăn dặm thì không phải mẹ nào cũng biết. Dưới đây, chuyên gia dinh dưỡng sẽ gợi ý cho bạn những loại rau ngon và bổ dưỡng cho trẻ.
Các mẹ cần lưu ý, khi cho con bước sang chế độ ăn dặm thì cần tuân thủ một nguyên tắc đó là, cho trẻ ăn từ ngọt đến mặn. Đây cũng chính là lý do khiến rau củ là lựa chọn đầu tiên cho bé. Như chúng ta đã biết, rau củ có chứa vị ngọt tự nhiên và có độ mềm mịn khi xay nhuyễn, hơn nữa, nhóm thực phẩm này lại rất giàu vitamin, chất xơ, chất khoáng, đặc biệt là một số chất chống oxy hóa rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Những loại rau cho trẻ 6 tháng tuổi
Cà rốt: Một ưu điểm rất lớn của cà rốt là có màu sắc bắt mắt, rất thu hút trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, những chất dinh dưỡng trong loại củ này khiến các bậc phụ huynh vô cùng hài lòng. Trong cà rốt có beta carotene – tiền tố của vitamin A vì thế rất tốt cho mắt về hệ miễn dịch của trẻ. Cũng giống như các loại rau khác, cà rốt cũng nhiều chất xơ và tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt, loại củ này cũng có vị ngọt tự nhiên, dễ ăn và luôn được các bé yêu thích.
Bí đỏ: Loại thực phẩm này được đánh giá là rất an toàn vì ít gây dị ứng. Bí đỏ còn có chứa nhiều vitamin, sắt, muối khoáng và beta carotene, rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Rau cải bó xôi: Đây là loại rau rất giàu dưỡng chất, đặc biệt là nguồn bổ sung chất sắt dồi dào cho trẻ, rất tốt cho sự phát triển của các con. Một ưu điểm nữa của loại rau này là rất dễ chế biến. Mẹ chỉ cần nấu chín rau, sau đó xay nhuyễn với nước và sữa, vậy là đã có một món ăn vừa ngon, vừa bổ cho bé yêu.
Khoai lang: Khi lựa chọn khoai lang là thực phẩm ăn dặm dành cho bé, mẹ nên chọn khoai lòng màu cam vì ngoài cung cấp nhiều kali, vitamin C và chất xơ. Loại củ này còn chứa nhiều beta-carotin, rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Những loại rau cho trẻ 8 tháng tuổi
Khi bước qua giai đoạn tập ăn, mẹ có thể cho bé ăn đa dạng hơn. Cụ thể, một số loại rau phù hợp với trẻ ở giai đoạn này là:
Bông cải xanh: Loại rau này rất giàu vitamin C, chứa nhiều sắt, kali, beta carotene và acid folic,… rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các chất dinh dưỡng bị giảm đi quá nhiều, khi chế biến, mẹ nên hấp rau thay vì luộc rau.
Súp lơ trắng: Hấp súp lơ trắng chính là một cách mẹ giúp bé rèn kỹ năng nhai và nuốt. Hơn nữa, đây cũng là cách bổ sung chất xơ, vitamin và các khoáng chất cho trẻ.
Cà chua: Trong cà chua có chứa nhiều vitamin A và vitamin C rất tốt cho bé. Hơn nữa, loại quả này còn có chứa lượng nước dồi dào và vô cùng dễ ăn.
Hành: Nhiều mẹ lo ngại, hành có mùi hăng nên rất ngại cho con ăn loại rau gia vị. Nhưng mẹ có thể giảm vị hăng của hành bằng cách cho thêm vào một số món ăn khác để tăng vị hấp dẫn.
Củ dền: Loại củ này có màu sắc bắt mắt và rất tốt cho trẻ vì có chứa nhiều folate, mangan và chất xơ.
Khoai tây: Rất nhiều trẻ thích thú với món ăn này. Khoai tây có chứa nhiều tinh bột, kali, vitamin C,… tốt cho não và hệ tiêu hóa. Hơn nữa, loại rau này còn có thể kết hợp với rất nhiều loại rau khác trong bữa ăn của trẻ.
Những điều cần lưu ý
Dù rau củ là nhóm thực phẩm dễ ăn và bổ dưỡng nhưng các bậc phụ huynh vẫn cần đặc biệt lưu ý khi chọn rau hoặc chế biến để có thể giúp loại rau củ này phát huy hết chất dinh dưỡng.
Trước hết, cần chú ý về nguồn gốc rau. Nên chọn những loại rau sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên rửa sạch rau trước khi chế biến, có thể ngâm 15 phút với nước muối loãng. Nên hấp rau thay vì luộc rau để tránh mất dinh dưỡng. Không nên cho trẻ ăn những loại rau củ dễ gây nghẹn, hóc, như rau cần tây, ngô chưa được xay nhuyễn,…
Khi ăn dặm, bé có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm vì thế mẹ cần hết sức lưu ý. Nếu thấy con có hiện tượng như nôn mửa, thở khò khè, tiêu chảy, nổi mề đay sau khi ăn một loại rau nào đó, mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đi khám. Không nên ép trẻ ăn mà hãy kiên nhẫn để con thử nhiều lần cho đến khi quen dần với món ăn. Nên chia nhỏ các bữa để con dễ ăn hơn. Nên cho con ăn đa dạng món ăn để bé không bị nhàm chán.
Thời điểm thích hợp để trẻ ăn rau củ quả trong ngày
Đối với những bé mới bắt đầu ăn dặm. Mẹ có thể cho bé ăn 1 đến 2 lần trong 1 ngày. Mục đích là để bé tập quen dần với thức ăn khác ngoài sữa mẹ và sữa công thức. Đối với trẻ lớn hơn, từ 8 tháng tuổi trở đi. Mẹ có thể cho bé ăn rau củ quả cùng với các bữa ăn chính trong ngày. Riêng đối với nước ép trái cây hoặc hoa quả nghiền nhuyễn thì có thể cho bé ăn tráng miệng. Hoặc là ăn vào các bữa ăn phụ cùng với sữa chua, phô mai.
Những trẻ lớn hơn nữa, từ 1 đến 2 tuổi trở đi thì bố mẹ nên tập thói quen ăn rau củ trong các bữa ăn chính. Đồng thời bổ sung thêm trái cây trong các bữa ăn phụ hoặc ăn vặt hàng ngày.