Tỉnh Sơn La, nằm trên quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300 km về phía Tây Bắc. Sơn La nằm tại trung tâm vùng Tây Bắc, có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, với tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa rất lớn, có thể tạo ra những cơ hội du lịch mới. Du khách nước ngoài đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương và cả nước. Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông khô lạnh.
Do sự thăng trầm của núi và thung lũng xen kẽ với nhiều hồ thủy điện nên khí hậu nơi đây được chia thành nhiều tiểu khí hậu, điển hình là: khí hậu mát mẻ từ 18 độ C đến 21 độ C, rất thích hợp cho sự phát triển của du lịch. Khí hậu mát mẻ, vào mùa xuân, những đồi chè, hoa mơ, hoa mận, hoa đào, hoa trà và những cánh đồng hoa cải trên cao nguyên Mị Châu đã tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách. Khi đã đến đây thì du khách sẽ cảm thấy ngỡ ngàng với khung cảnh thiên nhiên nơi đây cùng thưởng thức một nền ẩm thực độc đáo. Bây giờ thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những kinh nghiệm đáng nhớ khi du lịch Sơn La nhé!
Mục lục
Sơn La thú vị trong những trải nghiệm đáng nhớ
Đến với Sơn La, bạn không chỉ hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức những món ăn đậm chất núi rừng Tây Bắc, mà còn có những trải nghiệm đáng nhớ.
Từ tháng 4 đến tháng 6, Mộc Châu lại rực rỡ sắc đỏ của mận, đào vào vụ chín. Sẽ thật thú vị khi được trực tiếp tham gia quá trình thu hoạch mận cùng bà con nông dân.
Nhìn những vườn mận bạt ngàn chạy tít từ chân núi tới gần đỉnh. Những chùm mận sai lúc lỉu, bạn sẽ hứng thú và hăng hái đem dụng cụ hái mận ra vườn.
Người ta sẽ chỉ cho bạn cách hái mận: hái bằng một chiếc gậy buộc giỏ; hái bằng cách trèo lên ghế, lên cây… Mỗi kiểu hái có đặc điểm riêng: hái bằng giỏ thì không phải trèo. Nhưng mỏi cổ vì luôn phải ngửa mặt nhìn lên; hái bằng cách trèo cây tuy cũng có hơi sợ, nhưng thú vị hơn cả. Cảm giác được đứng trên cao, được leo trèo một cách thoải mái như thế ở thành phố không thể có được.
Hái mận ở Mộc Châu
Bàn tay chạm vào chùm mận đỏ tím, lớp phấn trắng mỏng tang khẽ tan. Để lại phần vỏ quả mận căng tròn, sáng bóng, đỏ rực. Ngắt quả mận bỏ vào chiếc thúng dưới chân, tay cứ thoăn thoắt níu cành, vặt quả một lúc đã đầy thúng mận. Dừng tay, lau giọt mồ hôi trên trán, đưa quả mận đỏ nhất, to; và chín nhất lên miệng cắn một miếng, vị chua chua, ngọt ngọt lan dần xuống cổ họng, rồi lan ra khắp người…
Được làm một người nông dân thu hái mận, tuy có vất vả một chút. Nhưng những cảm nhận từ trải nghiệm nông nghiệp này rất tuyệt vời.
Tham gia các lễ hội đặc sắc tại Sơn La
Đến Sơn La ngoài tham quan cảnh đẹp, thưởng ngoạn các mùa hoa bạn có thể kết hợp tham quan các lễ hội đặc sắc của địa phương như Lễ hội trọi trâu được tổ chức mùng 5 Tết hàng năm với mục đích gắn kết tinh thần đoàn kết các dân tộc miền núi Sơn La, Lễ hội đua thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La vào mùng 10 tháng giêng âm lịch hay Lễ hội gội đầu của dân tộc Thái trắng thực hiện vào những ngày cuối năm với hi vọng gột sạch những chuyện không vui, không may mắn và cầu mong một năm mới tốt lành.
Săn mây Tà Xùa
Nằm ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, Tà Xùa là ngọn núi mà dân mê leo núi – chụp ảnh nhất định sẽ phải đến một lần trong đời. Tà Xùa được hợp lại từ ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm thường được mây ngàn bao phủ và là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La với Yên Bái.
Đón tết của người Mông
Không giống như các dân tộc khác trên đất nước Việt, người Mông đón Tết cổ truyền sớm vì có cách tính thời gian khác. Người Mông quan niệm, mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, tháng thừa hay năm nhuận nên họ luôn luôn đón Tết vào ngày thứ 361 (mùng 1 Tết của người Mông).
Thời gian này lúa đã gặt xong, ngô, khoai đầy bồ, lợn, gà, trâu, bò đầy sân, nhà cửa đã được sửa sang và dọn dẹp sạch sẽ. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu cuối cùng trên bộ váy áo mới để cả nhà kịp diện chơi Tết, đàn ông thì tất bật mổ gà lợn chuẩn bị ẩm thực cho gia đình. Thế là người Mông sẵn sàng để đón cái Tết tươm tất, đủ đầy.
Thưởng thức món nhậu nổi tiếng Sơn La
Thịt trâu gác bếp là món ăn thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà chăn thả trên các vùng đồi núi. Người ra sẽ lọc các thớ thịt ra từng miếng rồi đem hun khói. Sau đó cho thêm hương liệu và gia vị như muối, gừng, ớt, tiêu rừng. Và đặc biệt nhất là mắc khén – một loại tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao. Sau đó, những dây thịt được mắc trên giàn bếp; hun khói từ củi cây rừng cho đến khi ám đen và khô lại.
Nếu như trước đây, món ăn này người Thái chỉ thưởng thức thay cho thức ăn mặn. Nhất là vào mùa mưa, lũ hoặc những ngày giáp hạt, thiếu ăn. Thì ngày nay, thịt trâu gác bếp lại trở thành món ăn nổi tiếng. Du lịch vùng cao, nhiều du khách thường chọn thịt trâu gác bếp làm quà; hay nhâm nhi với một chút rượu ngô nồng thơm. Quả là một trải nghiệm hêt sức thú vị.