Những điều bố mẹ cần nên biết khi tắm nắng cho trẻ

Mỗi người trong chúng ta đều cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra vitamin D qua đó giúp cơ thể hấp thụ canxi để xương chắc khỏe hơn. Hầu hết mọi người chỉ mất một khoảng thời gian dưới ánh nắng mặt trời để nhận được lượng vitamin D cần thiết. Và hầu hết nhu cầu vitamin D cần được đáp ứng bằng chế độ ăn uống lành mạnh và hoặc thực phẩm bổ sung.

Việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) của mặt trời mà không được bảo vệ có thể gây tổn thương da, tổn thương mắt, gây suy giảm hệ thống miễn dịch và gây ung thư da. Ngay cả những người ở độ tuổi đôi mươi cũng có thể mắc ung thư da. Đặc biệt đối với trẻ em, tắm nắng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bé. Vậy những điều bố mẹ cần nên biết khi tắm nắng cho trẻ là gì? Theo chân chúng tôi cùng tìm hiểu chi tiết hơn thông qua bài viết dưới đây nhé.

Thế nào là tắm nắng?

Thế nào là tắm nắng?
Tắm nắng mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe bé

Tắm nắng là phương pháp dùng ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm tiếp xúc trực tiếp lên da để tổng hợp vitamin D, nhằm phòng bệnh còi xương cho trẻ. Và hầu hết sản phụ sau sinh đều được bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn cho trẻ tắm nắng càng sớm càng tốt và chỉ nên phơi nắng trước 8h sáng. Không những thế, tắm nắng vào buổi sáng còn mang lại những lợi ích tuyệt vời khác.

Vai trò của vitamin D đối với trẻ nhỏ

– Vitamin D đóng vai trò quyết định trong việc thành lập và tăng trưởng xương ở trẻ em. Làm tăng hấp thu Canxi và Phốt pho ở niêm mạc ruột.

– 80% vitamin D được tổng hợp ở da, dưới tác dụng của tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da.

– 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn (thịt, dầu cá thu, trứng, bơ, nấm, đậu…)

Các biểu hiện khi thiếu vitamin D

– Thiếu vitamin D gây giảm hấp thu canxi, hậu quả làm giảm canxi trong máu. Và gây nên tình trạng còi xương – biến dạng xương.

– Thiếu vitamin D, trẻ nhỏ có triệu chứng khóc về đêm, đổ mồ hôi trộm, ngủ hay giật mình khóc.

– Thiếu vitamin D, trẻ chậm đóng thóp, chậm mọc răng, biết ngồi, biết đi …

– Trẻ lù đù, kém linh hoạt cơ mềm nhão… (đối với trẻ bụ bẫm thiếu vitamin D)

– Thiếu vitamin D thuờng đi đôi còi xương, suy dinh dưỡng.

Lưu ý: Thời gian trẻ thiếu vitamin D là từ 6 tháng đến 18 tháng. Trẻ sinh non, sinh đôi, sinh ba thiếu vitamin D càng trầm trọng hơn.

Vì sao phải tắm nắng?

Vì sao phải tắm nắng cho bé?
Tắm nắng giúp cho sự phát triển xương và cơ của bé

– Tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời buổi sáng thúc đẩy tạo thành sinh tố D trong cơ thể, giúp cho sự phát triển xương và cơ của trẻ.

– Tia cực tím có hiệu quả trong diệt khuẩn, chống viêm, kích hoạt da, sản sinh vitamin D3 làm tăng cường hấp thụ canxi và phốt pho.

– Tăng sức đề kháng cho trẻ và phòng chống bệnh tật.

Cách tắm nắng cho trẻ

Độ tuổi

Không có quy định nào lại đi giới hạn độ tuổi tắm nắng của bé, vì cơ thể chúng ta luôn cần “dùng” đến vitamin D. Nghĩa là, nếu mẹ không bận rộn vào buổi sáng và có thời gian chăm con, thì mẹ có thể cùng con tắm nắng cho đến khi bé được vài tuổi. Thời gian tắm nắng: từ 6h30 đến 9 sáng (buổi chiều không nên tắm nắng). Khi được 4-5 tuổi, bé sẽ bắt đầu được đưa đi nhà trẻ và giờ đến trường của bé thường là buổi sáng, lúc này các tia nắng mặt trời đã xuất hiện nên các bé đã tự tắm nắng cho mình rồi, do đó, mẹ không cần phải lo lắng vấn đề này đối với những trẻ lớn đâu nhé.

Cách tắm nắng

– Chọn nơi sạch sẽ, thoáng mát nhiều ánh sáng mặt trời

– Cởi bỏ tã để tắm nắng (đầu đội mũ vải mềm, thấm mồ hôi)

– Tắm tay, chân và mông trẻ (đằng lưng của trẻ) trước

– Tiếp đến tắm hai bên thân, sau đó dần mở rộng phạm vi: bụng, lưng…để hở da thịt trẻ (tùy thuộc thời tiết)

– Xoay các tư thế để các vùng da trên cơ thể trẻ đều được tiếp xúc với ánh nắng

– Thời lượng tắm cho trẻ từ 10 đến 30 phút dưới ánh nắng nhẹ tùy theo sự phát triển của trẻ

Hai mẹ con cùng tắm nắng trực tiếp, hoặc để trẻ nằm trong xe đẩy có mui che, đặt ở nơi có bóng râm, tia tử ngoại phản xạ đủ để tắm nắng cho trẻ.

Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ

Những lưu ý khi tắm nắng cho bé
Thời điểm tốt nhất để tắm nắng cho bé là lúc nào?

– Thời gian tắm tăng dần để trẻ làm quen với ánh nắng: 5 phút, 10 phút, 20 phút…

– Không cho trẻ tắm nắng quá 30 phút mỗi lần

– Không để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào đầu, vào mắt trẻ (tia cực tím hại cho mắt và não của trẻ)

– Nếu trời có gió, chọn nơi tắm nắng sau lưng ngọn gió để tránh gió lùa

– Cuối mùa xuân, đầu mùa thu và mùa hạ không nên để ánh nắng mặt trời chiếu vào trẻ

– Tắm nắng qua cửa kính không có tác dụng đối với trẻ (thuỷ tinh sẽ cản trở tia tử ngoại)

– Cho trẻ uống nước bổ sung sau khi tắm nắng

– Sau khi tắm nắng, lau khô mồ hôi, mặc thêm quần áo cho trẻ đề phòng cảm lạnh (khi phơi nắng, các lỗ chân lông nở to, khí lạnh dễ dàng thâm nhập qua lỗ chân lông)

– Sau 30 phút có thể tắm cho trẻ

Cẩn trọng

– Nếu thấy da bé chuyển sang màu đỏ, ra nhiều mồ hôi, mạch đập nhanh thì đưa bé về nhà cho uống một chút nước lọc, cũng có thể lấy nước ấm lau người cho bé.

– Để hạn chế khả năng bé bị cảm nắng hoặc phản ứng với ánh nắng, tập cho bé quen dần với ánh nắng. Bằng cách bế bé ra nắng một chút rồi cho bé vào chỗ mát nghỉ ngơi. Sau đó tiếp tục cho bé ra chỗ có ánh nắng.

Lời kết

Tập quán kiêng cữ cho mẹ và bé sau sinh làm giảm nguồn vitamin D trong sữa mẹ. Và sẽ khiến trẻ dễ bị còi xương. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bé trong những năm đầu đời, các bà mẹ cần bổ sung một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất. Đặc biệt, cha mẹ cần tắm nắng cho trẻ khi trẻ đầy tháng tuổi. Ánh nắng mặt trời không chỉ có tác dụng chống còi xương mà còn là viên gạch đầu tiên giúp bé làm quen với môi trường sống bên ngoài.